THƠ và ĐỜI

THƠ và ĐỜI

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

TÂM GƯƠNG NGƯỜI LÀM KHOA HỌC

                    GS.TS Đào Văn Lượng – “Sống nhân ái sẽ được nhiều hơn mất”

“Mỗi con người chỉ có một trái tim / sống nhân ái sẽ được nhiều hơn mất” đó chính là phương châm, là lẽ sống mà GS.TS Đào Văn Lượng – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Sài Gòn đã đúc kết cho mình, cho đời và cũng là cho các thế hệ học trò. Sống nhân ái là một phẩm chất quý báu mà trong suốt cuộc đời mình, ông luôn hướng đến để sống, để làm việc và cống hiến. Đối với ông, hạnh phúc là được cho đi… Ông luôn hướng cái tâm của mình vào công việc để mang lại những điều tốt đẹp cho con người, cho đất nước… Chất Con Người của GS.TS Đào Văn Lượng là vậy!



Ước mơ từ những ngày gian khó
GS.TS Đào Văn Lượng sinh ngày 5 tháng 6 năm 1945 tại Sài Gòn. Ông là con cả trong một gia đình có 6 anh chị em ở quê hương Hải Phòng. Cha đi hoạt động cách mạng nên ngay từ nhỏ, ông đã sớm hình thành cho mình đức tính tự lập. Ngay từ những ngày tháng trên ghế nhà trường, Đào Văn Lượng đã ôm ấp giấc mơ trở thành một thầy giáo đứng trên bục giảng, được truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học trò, nên dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, cậu học sinh Lượng vẫn quyết tâm học tập, vươn lên để thực hiện ước mơ và hoài bão của mình. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, với thành tích loại ưu, ông thi đỗ và theo học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1964 -1968). Lúc ấy, miền Bắc đang vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, ông phải theo trường đại học đi sơ tán ở vùng núi Thái Nguyên; để tránh bom đạn, lớp học và phòng thí nghiệm được dựng dưới lòng đất. Phải học tập trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, nhiều ngày trời lạnh thấu xương, bụng đói cồn cào mà vẫn phải lên lớp, nhưng ngoài những giờ học đầy nhọc nhằn vất vả ấy, cậu sinh viên tên Lượng cũng đã lao vào hoạt động Đoàn thanh niên với những cuộc xuống đường biểu tình chống đế quốc xâm lược, đòi thống nhất đất nước. Truyền thống cách mạng của gia đình, đặc biệt là tấm gương cách mạng từ người cha như truyền vào ông, thôi thúc ông hành động và làm một điều gì đó có ý nghĩa với Tổ Quốc, với nhân dân và với truyền thống gia đình mình. Chính những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy đã hun đúc trong ông cũng như thế hệ thanh niên thời ấy một tinh thần quật cường dân tộc, quyết tâm vượt khó với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai.

       

Trải qua không ít khó khăn vất vả từ tuổi thơ đến những năm tháng học đại học, với ý chí, nghị lực và một niềm tin mãnh liệt, chàng sinh viên Lượng cũng đã được đền đáp xứng đáng khi ông được phân công làm giảng viên đại học. Ước mơ về một ngày được đứng trên bục giảng của Đào Văn Lượng cũng đã trở thành hiện thực. Kể từ đây, ông đã có thể truyền đạt những kiến thức, niềm đam mê và nhiệt huyết cho các thế hệ học trò.
Đam mê khoa học, luôn muốn mang lại một điều gì đó mới mẻ từ chính kiến thức mà mình đã tích lũy được nên sau khi được làm giảng viên đại học, ông vẫn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu những lý thuyết và thực nghiệm mới trong lĩnh vực Hóa Lý. Năm 1976, ông được cử đi nghiên cứu sinh ở CHDC Đức và năm 1980, sau bao ngày tháng tìm tòi, nghiên cứu, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Hóa Lý kỹ thuật với đề tài “Mô hình hóa các quá trình hóa học bằng lý thuyết xác suất và tin học” tại trường ĐHTH Dresden CHDC Đức.


         










Khi làm Nghiên cứu sinh ở Đức, dù có cơ hội tốt khi được nhà trường ngỏ lời giữ lại làm việc và nghiên cứu, nhưng ông đã từ chối và lựa chọn con đường trở về quê hương để cống hiến cho đất nước, nhân dân mình. Ông tâm sự: “Thời gian học tập, nghiên cứu bên đó tôi luôn mang trong mình một mặc cảm về thân phận của một kẻ đi học nhờ, ở đậu. Dù các chính sách đãi ngộ của bạn là rất tốt, nhưng với tôi, quê hương vẫn là một điều gì đó rất thiêng liêng. Nước mình còn quá nghèo, tôi muốn được làm việc để góp phần làm bớt đi một chút nghèo, tôi muốn trả ơn những gì tôi có được, và đơn giản bởi tôi thấy rằng, trách nhiệm của một công dân là phải phục vụ đất nước mình, dân tộc mình”.
Với suy nghĩ đó, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, GS.TS Đào Văn Lượng trở về nước, mang theo hành trang kiến thức đã tích lũy được, tiếp tục cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà.
Nhà khoa học luôn gắn mình vào công việc với “Chữ Tâm”
Trở về nước, ông công tác tại trường Đại học Bách Khoa thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông lần lượt giữ các chức vụ như Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, rồi làm Trưởng Ban Đào tạo Sau đại học của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ chí Minh. Sau thời gian làm giám đốc sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, ông được mời về làm Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho đến nay. Được gần gũi với thê hệ trẻ, được truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học trò luôn là một ước mơ của GS.TS Đào Văn Lượng, chính vì vậy ông càng đam mê và cống hiến hết mình cho niềm đam mê đó. Trong suốt quá trình tham gia công tác giảng dạy, người thầy đó luôn gắn cái tâm của mình vào giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sinh viên. Ông tâm sự: “Gần gũi thế hệ trẻ là một niềm hạnh phúc. Bên các em, ta thấy lòng mình trong sáng hơn; mọi suy nghĩ nhỏ bé, mọi toan tính thấp hèn đều tan biến. Do đó, tôi luôn dạy các em phải biết sống nhân ái, phải đam mê và tự tin vào khả năng của chính mình. Bởi tự tin là bản lĩnh của những người rất hiểu những điều mình đang làm. Mặt khác, nếu biết hợp tác với đồng nghiệp thì chắc chắn những gì các em mong muốn sớm hay muộn cũng sẽ trở thành hiện thực”. Với kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh của một người thầy giáo, GS.TS Đào Văn Lượng luôn muốn truyền những bài học hay, những kinh nghiệm sống quý báu cho các thế hệ học trò, để các em vững bước khi ra trường. Gần 30 năm làm công tác giảng dạy, dù trong vai trò là một giảng viên, hay một nhà quản lý, thì người thầy ấy cũng luôn cố gắng làm tốt vai trò của một mình, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp đối với đồng nghiệp và các thế hệ học trò.

            

Trong Chương trình 500 doanh nhân tiêu biểu của Châu Á, đài truyền hình Kenjya TV Nhật Bản đã phỏng vấn: Ông nói gì với thế hệ trẻ? GS.TS Đào Văn Lượng đã trả lời: "ĐAM MÊ, HỌC HỎI, TỰ TIN VÀ HỢP TÁC LÀ CHÌA KHÓA CỦA THÀNH CÔNG !" 

Trong vai trò là một giảng viên đại học, GS.TS Đào Văn Lượng hiểu rằng, nghiên cứu khoa học là một hoạt động không thể thiếu, chính vì vậy, song song với công việc giảng dạy, ông cũng tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Ông đã chủ trì và tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa, như chủ trì đề tài cấp thành phố Hồ Chí Minh mang tên “Nghiên cứu khả năng sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phế thải công nghiệp ở TP. HCM” (1989), chủ trì đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu công nghệ chế tạo Silicagel dạng viên cầu”, đã đạt kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc (1995)….
Ông cũng đã viết nhiều bài báo được đăng tải trên các tạp chí trong nước và nước ngoài như tạp chí Konferenz Junger Chemi-ker 30-1-79 Wissenschafl;  tạp chí Zeitschrift der TU Dresden; tạp chí Công nghiệp hóa chất, tạp chí Khoa học và phát triển, tạp chí Khoa học công nghệ… Ngoài ra ông còn viết nhiều sách giáo trình như “Sổ tay Hóa Lý”, “Giáo trình Hóa Lý”, “Giáo trình Hóa Lý - Nhiệt động Hóa học”…
Với GS.TS Đào Văn Lượng, làm khoa học không chỉ thỏa niềm đam mê nghiên cứu, phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy, mà còn là việc làm ý nghĩa, thiết thực đối với thực tiễn. Khi đương nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ & Môi trường TP. Hồ Chí Minh, GS.TS Đào Văn Lượng đã đưa lực lượng khoa học công nghệ tham gia vào Chương trình “Hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập”. Là Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin Thành phố, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển công nghệ thông tin và xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung. Đặc biệt, ông rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường sống. Ông cho rằng: “Phải làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành Tâm Đạo của nhân loại”. Ông cũng giải thích thêm: “Phải hiểu Tâm Đạo là Đạo từ trái tim, là Đạo trung tâm. Càng ngày, vai trò của môi trường càng trở nên quan trọng đối với cuộc sống của nhân loại. Tất cả mọi người phải tôn thờ và tu theo Tâm Đạo để bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và cho các thế hệ mai sau. Làm cho môi trường sống ngày càng tươi đẹp hơn – điều đó phải trở thành tâm nguyện chi phối mọi hoạt động của mỗi con người ở mọi nơi, mọi lúc”. Qua những suy nghĩ và hành động của ông, ta thấy được tấm lòng của một nhà giáo, một nhà khoa học cao quý đến nhường nào!

         

Không chỉ là một nhà khoa học, một nhà giáo, một nhà quản lý, GS.TS Đào Văn Lượng còn là một nhà thơ với bút danh Văn Liêm. Ông là Hội viên Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh, đã xuất bản hai tập thơ “Nỗi nhớ mênh mang” và “Bờ bến bình yên”, ngoài ra ông còn sáng tác rất nhiều bài thơ khác đã được đăng trên các báo, cũng như nằm trong các tập thơ chung của Hội Nhà văn. Thơ ông cũng đã được đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh HTV truyền tải trong Chương trình Thơ Văn Liêm “Tri thức tạo nên giọng thơ hiện đại”. Đọc thơ ông, ta dễ dàng cảm nhận được tình yêu con người, yêu thiên nhiên. Thơ ông nhân ái, đầy xúc cảm của một nhà khoa học, một nhà giáo sống nhân ái, yêu thiên nhiên, yêu con người. Ông đã từng tâm sự: “Trong tôi chỉ có 10% kiến thức công nghệ, 10% kiến thức quản lý và còn lại 80% kiến thức là nhân văn”. Quả đúng như vậy, trong suốt cuộc đời mình, ông luôn sống nhân ái, luôn nghĩ và hành động nhân văn, để có thể mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con người, cho đất nước. Chính vì thế mà người thầy giáo, nhà khoa học ấy đã để lại rất nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng mọi người, nhận được rất nhiều tình thương yêu từ các thế hệ học trò và các đồng nghiệp. Và đối với ông “Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời tôi”. Hạnh phúc của ông chính là được cho đi tình yêu thương và cũng nhận lại tình thương yêu từ mọi người.
Tôi chợt nhớ đến những câu từ trong bài hát “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”, và với GS.TS Đào Văn Lượng, “tấm lòng” của ông – “tấm lòng” của một nhà giáo, một nhà khoa học tài năng, tâm huyết, đã gieo cho đời biết bao “mầm sống” ý nghĩa. Ông không chỉ để lại cho đời những dấu ấn tốt đẹp trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, mà còn để lại cho đời những quan niệm, những triết lý sống, những việc làm ý nghĩa, nhân văn, chính là những lẽ sống tốt đẹp mà bất cứ ai trong cuộc đời cũng cần hướng đến để thấy mình tốt hơn. GS.TS Đào Văn Lượng xứng đáng là một tấm gương sáng cả về tài năng và nhân cách để các thế hệ học trò học tập và noi theo.

             Sach “Tấm gương Người làm Khoa học” -  5/2014
                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét