THƠ và ĐỜI

THƠ và ĐỜI

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

TRI THỨC TẠO NÊN GIỌNG THƠ HIỆN ĐẠI


CHƯƠNG TRÌNH THƠ VĂN LIÊM - HTV

TRI THỨC TẠO NÊN
GIỌNG THƠ HIỆN ĐẠI
  
Biên tập viên HTV: Hoàng Vũ Quân

BTV: Chủ đề của chương trình hôm nay là:
  Giọng thơ hiện đại  =  Tri thức + Cảm xúc + Kinh nghiệm sống 
Tham gia tọa đàm hôm nay có: Nhà thơ Văm Liêm và nhạc sĩ Đức Lợi Trưởng Đoàn nhạc Dân tộc Phù Đổng.



A- Đôi nét về tác giả:
 Văn Liêm là bút danh của Đào Văn Lượng. Anh sinh tại Sài Gòn, sau ra Bắc và ở quê cùng mẹ tại Hải Phòng từ năm 1954 đến năm 1960. Từ năm 1961 đến năm 1976, anh sống học tập và làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp khóa 1964 – 1968 chuyên ngành Hóa học rồi tu nghiệp ba năm ở CHDC Đức (Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Dresden). Từ năm 1980 đến nay, anh sống và công tác ở thành phố Hố Chí Minh. Anh tham gia công tác giảng dạy tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với cương vị là Giáo sư - Tiến sĩ chuyên ngành Hóa lý Kỹ thuật. Từ năm 2000, anh làm Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Thành ủy viên và là hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.
Với thơ, anh là một người rất yêu thơ và tập làm thơ từ những năm còn là học sinh. Văn Liêm xuất hiện trên thi đàn khá muộn, bài thơ đầu tiên anh được đăng trên báo Phụ nữ Chủ nhật năm 1996. Từ đó đến nay Văn Liêm đã xuất hiện trên các báo như: Tài hoa trẻ, An ninh, Văn nghệ… Mặc dù ít xuất hiện nhưng thơ Văn Liêm rất chững chạc và chắc chắn. Thơ Văn Liêm được độc giả ghi nhận bởi tính hiện đại, súc tích khoa học, đầy tư duy và cảm xúc về hiện thực, về những luận đề, luận giải trước cuộc sống đa chiều mà trong đó tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, tính nhân văn vẫn là âm hưởng chủ đạo.
(Bài thơ 1: Bờ bến bình yên)

B-  Tọa đàm:
BTV: Thưa nhà thơ Văn Liêm. Anh là một nhà giáo, một nhà khoa học, một nhà công nghệ và môi trường… và từ những “nhà” ấy anh đã có tuyên ngôn như sau:
Trong bộn bề một ý thơ chợt đến
Làm dịu đi những trăn trở đời thường.
Một nhành non cho trời thêm xanh biếc
Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn!
        (Thơ và Đời)
Như vậy, anh làm thơ để tạo ra cái đẹp cho bản thân và rộng hơn là cho cuộc đời. Công chúng đang muốn lắng nghe giãi bày của anh về luận điểm: “Làm thơ là tạo ra cái đẹp”.
VL: Đúng vậy. Tôi nghĩ làm thơ không chỉ là phát hiện cái đẹp mà còn phải ươm mầm để tạo ra cái đẹp. Cũng như các nhà khoa học xã hội - nhân văn và cả các nhà khoa học - công nghệ khác, các nhà thơ bao giờ cũng muốn vươn tới cái đẹp cái Chân – Thiện – Mỹ, trước hết để tự hoàn chỉnh mình để làm đẹp cho gia đình, cho bạn bè và sau đó là góp phần làm đẹp cho đời. Nhưng thường thường người ta cứ đi tìm cái đẹp ở mãi đâu đâu mà quên đi những cái đẹp rất bình dị xung quanh mình, có lần tôi phải thú nhận:
Trong thơ anh có trời rộng biếc xanh
Có biển cả rì rào sóng vỗ
Có những cánh buồm lao trong bão tố
Chỉ thiếu những công việc hàng ngày bình dị của em…
                                            (Bài thơ chưa tròn)
Thơ có khả năng làm cho ta thư giãn lấy lại thăng bằng trong cuộc sống bề bộn này: “Trong bộn bề một ý thơ chợt đến/ Làm dịu đi những trăn trở đời thường”. Nhưng quan trọng hơn thơ còn có chức năng cảm hóa, giáo dục làm cho người ta đạt đến cái Thiện tâm: “Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn”.
BTV: Xin cảm ơn nhà thơ Văn Liêm và chúng ta đến với một bài thơ của anh, bài “Ghen với biển”. Cũng xin nói thêm là vừa rồi chúng ta đã nghe tuyên ngôn của Văn Liêm: “Làm thơ là tạo ra cái đẹp” mà bây giờ là bài thơ có từ “ghen” và chúng ta hãy xem Văn Liêm ghen thế nào nhé. 
(Bài thơ 2: Ghen với biển)
BTV: Thưa nhạc sỹ Đức Lợi, tác giả Văn Liêm nói với tôi rằng chính nhạc sĩ là người phát hiện ra những ý tứ trong thơ Văn Liêm mà nhiều khi tác giả thấy bất ngờ và thú vị. Và ở đây chúng tôi muốn nghe ý kiến về những “chủ điểm” trong thơ Văn Liêm mà anh nhận ra được?
ĐL: Tôi xin nêu ra một ý kiến khá thống nhất của nhiều người trong đó có cả những người làm công tác nghiên cứu văn học đó là: “Tính hiện đại trong thơ Văn Liêm”. Tôi thường nghĩ, phải chăng Văn Liêm là một nhà khoa học cho nên tư duy của anh, cảm xúc của anh, đề tài và câu tứ của anh trong thơ cũng rất khoa học, vì vậy mà ta cảm thấy nó hiện đại chăng. Ví dụ, có những bài thơ mà tên bài đã rất hiện đại: Tâm sự E-mail, Tìm nhau trên cánh sóng, Mơ Romeo – Juliet… hay những thuật ngữ mà anh dùng: phân tử, lực trường, chùm electro, sóng vi ba… Đó là những thuật ngữ khoa học ít khi xuất hiện trong thơ; song Văn Liêm đã đưa chúng vào thơ rất tự nhiên và cũng thật dễ đón nhận; có lẽ bởi đó chính là những thuật ngữ mà anh đã quen dùng hàng ngày.
Rồi Văn Liêm nói về những công việc hàng ngày của vợ anh cũng rất tự nhiên giản dị trong bài “Bờ bến bình yên” mà có lần chị vợ anh đã nói với tôi: “Anh ấy viết bài đó là cho các anh đấy chứ”.
Tứ thơ của Văn Liêm vừa mang tính dân tộc, vừa xúc cảm lại vừa hiện đại:
Nắng xiên xiên
bóng lúa đổ dài
Chiều buông nhẹ
cánh đồng bát ngát
Gió thoang thoảng
hương đòng thơm mát
Trâu thủng thẳng về
tiếng mõ khua vang
Ngọn tre đầu làng
nắng xế nhuộm vàng
Đàn cò trắng
về chân trời xa tắp
Diều căng gió
tiếng sáo bay vi vút
Tiếng chuông chùa
gõ nhịp ngân nga…
Chiều bâng khuâng
nỗi nhớ quê nhà…
       (Chiều đồng quê)
Ở đây, không phải Văn Liêm cố tình tạo ra cấu trúc style mà chính cung bậc suy tư và xúc cảm đòi hỏi cấu trúc đó, cho nên ta thấy tính hiện đại trong thơ Văn Liêm thể hiện cả ở nội dung lẫn hình thức.
Một điều đáng nói nữa là chất nhà giáo và tình thầy trò thể hiện rất đậm nét trong thơ anh. Anh viết: “Hành trang mang theo là tình thầy nghĩa bạn”; điều này mang tính dân tộc và tính giáo dục rất cao.
BTV: Vâng, cảm ơn anh. Đúng vậy, điều đó được thể hiện rõ trong bài thơ mà các bạn sẽ nghe sau đây:
(Bài thơ 3: Nghề của tôi)
BTV: Thưa anh Văn Liêm khi tôi chọn tên cho chương trình này là: “Tri thức tạo nên giọng thơ hiện đại” tức là đã đưa ra một nhận định và đánh giá về thơ của anh. Làm thế nào để thơ anh nói riêng và thơ của ngày nay nói chung vừa mang tính thời đại lại vừa tạo nên dấu ấn riêng? Xin anh hãy cho ý kiến cá nhân về vấn đề này.
VL: Nhận định đó có phần đúng nhưng theo tôi, có thể nêu ra một quan điểm rất cơ bản: “Chính bản sắc dân tộc, chính truyền thống văn hóa dân tộc là yếu tố cơ bản nhất tạo cho thơ tiếp cận với hiện đại” mà vẫn rất thơ. Vấn đề chính của thơ hiện nay là phải tiếp cận với cuộc sống hiện đại rất sống động hiện nay và “thể hiện cuộc sống một cách hiện đại”. Tôi cũng rất thích tìm về các làn điệu lục bát (bài Thơ Xuân):
Mai vàng hé nụ chào xuân
Nắng hanh ươm mật tần ngần bầy ong
Đào khoe sắc thắm má hồng
Thơ xuân chừng đã thương thầm nàng Xuân.
Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong Thế kỷ 21 với những bước nhảy vọt về khoa học và công nghệ như: công nghệ sinh học, công nghệ Nano, Internet, truyền thông đa phương tiện… thì các nhà khoa học lại có ưu thế. Các nhà khoa học thường phải quan sát phân tích và diễn giải các hiện tượng một cách chân thực logic, nên có lẽ vì vậy mà thơ của họ cũng thể hiện đặc tính nghề nghiệp đó.
Song phải nói đến một yếu tố vô cùng quan trọng mà không có nó sẽ không thể có thơ đó là cảm xúc. Chính cảm xúc dâng trào đã thúc giục tôi cầm bút:
Anh viết cho em những vần thơ
Những vần thơ như con sóng xô bờ
Mang khát vọng của đại dương bão tố
Những vần thơ mênh mang thương nhớ
Những vần thơ chở nặng ưu tư
Những vần thơ không biết tự bao giờ
Đã cháy rực trong tim anh nóng bỏng.
    (Chỉ dành cho em)
BTV: Xin cảm ơn anh và chúng ta đến với:
(Bài thơ 4: Dòng sông buồn)
Thưa anh Đức Lợi, là một nhạc sĩ anh thấy nhạc tính trong thơ Văn Liêm thế nào?
ĐL: Đây chính là thế mạnh của tôi. Theo tôi nhạc tính trong thơ Văn Liêm thể hiện ở nhiều khía cạnh:
Thứ nhất: Khả năng “nghệ sĩ” của anh trong việc cảm thụ các nhạc cụ. Khi nghe Đoàn nhạc Dân tộc Phù Đổng biểu diễn anh viết bài “Nhịp trống ngàn xưa” trong đó có những câu:
Tiếng trống đồng Ngọc Lũ âm vang
Tiếng đàn đá giục buôn làng mở hội.
Tiếng sáo bay dội vách đá vọng về
Con nai vàng ngơ ngác lắng tai nghe
Đàn Klông Pút bập bùng hòa tiếng suối. 
Trong bài “Chuyện cây sáo trúc” anh đã kể về sự tích cây sáo trúc thông qua mối tình ai oán của đôi trai gái và kết luận: “Nếu có phải biến thành cây sáo trúc/ Anh sẽ theo em quấn quýt suốt đời”.
Thứ hai: Thơ anh thể hiện nhạc tính rất rõ: lúc trầm, lúc bổng, lúc khoan lúc nhặt, lại có những “nốt lặng” làm xao xuyến lòng người. Trong bài “Sợi tóc em” anh viết:
Nhặt sợi tóc của em
Vương trên nền gối trắng
Một phú giây tĩnh lặng
Giữa mênh mông dòng đời.
      (Sợi tóc em)
Thứ ba: Nội dung và hình thức trong thơ Văn Liêm phản ánh rất rõ nét cuộc sống và hoạt động của anh, đó là sự hòa quyện giữa tâm hồn, cảm xúc, kiến thức và kinh nghiệm sống. Vì vậy, những cung bậc thăng trầm của cuộc sống hôm nay cộng hưởng với những cung bậc nhạy cảm trong tâm hồn anh được thể hiện rất nhuần nhuyễn trong thơ tạo nên tính nhân văn trong thơ anh.
Cũng có thể nói, thơ Văn Liêm là cuộc trùng phùng giữa truyền thống dân tộc và nhịp sống hiện đại hôm nay.
BTV: Cảm ơn Nhạc sĩ. Bây giờ chúng ta đến với:
(Bài thơ 5: Sống chung với lũ)
Vâng, thưa quý vị, vì thời lượng có hạn nên bây giờ chúng tôi muốn nghe lời tâm huyết của nhà thơ Văn Liêm và nhạc sĩ Đức Lợi.
VL: Cám ơn anh. Tôi rất tâm đắc với câu nói của một nhà triết học: “Chỉ có cái đẹp mới cứu được thế giới này” mà thơ lại tạo ra cái đẹp nên thơ góp phần cứu nhân loại. Thơ có ưu thế là có thể lách vào những chỗ sâu kín nhất của tâm hồn. Thơ đánh thức những giá trị nhân bản đồng thời làm hạn chế những ham muốn thấp hèn trong mỗi con người.
Theo tôi những người làm thơ và những người yêu thơ có thể chưa thật tốt, chưa thật hoàn hảo nhưng không bao giờ họ là người xấu bởi vì những kẻ có tâm địa xấu không thể nào hiểu được cái hay, cái đẹp, cái nhân ái của thơ.
ĐL: Tôi muốn nói thêm, trong Văn Liêm, nhà khoa học, nhà giáo, nhà thơ, nhà môi trường học, người chồng, người bạn đã hòa quyện vào nhau để thăng hoa thành những vần thơ thật nhân ái. Tình bạn tình yêu môi trường thiên nhiên yêu con người của anh thật đằm thắm. Có lần anh tâm đắc với tôi:
“Phải làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành một Tâm đạo của nhân loại”.
BTV: Vâng, xin cảm ơn nhà thơ Văn Liêm, nhạc sĩ Đức Lợi và quý vị đã đến với Chương trình Thơ của chúng tôi.

                                         Biên tập viên HTV: Hoàng Vũ Quân

Chương trình Thơ Văn Liêm "Tri thức tạo nên giọng thơ hiện đại" 
               phát trên HTV9 Tp.HCM 16/01/2010

      https://www.youtube.com/watch?v=kk9v0Oi0ETk&t=244s

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét