THƠ và ĐỜI

THƠ và ĐỜI

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

NGƯT.GS.TS. ĐÀO VĂN LƯỢNG - SỰ KẾT HỢP HÀI HÒA GIỮA KHOA HỌC VÀ THƠ


NHÀ GIÁO ƯU TÚ – GIÁO SƯ ĐÀO VĂN LƯỢNG
SỰ KẾT HỢP HÀI HÒA GIỮA KHOA HỌC VÀ THƠ

                                                              BTV. Minh Tú – UNESCO Việt Nam

Dân tộc ta vốn là một dân tộc hiếu học, vươn lên trên cuộc sống vất vả, chân lấm tay bùn, vượt lên trên những tháng ngày nếm mật nằm gai chống lại kẻ thù, người dân Việt Nam quý trọng chữ nghĩa mà ra sức trau dồi kiến thức. Tự hào về truyền thống này bao nhiêu, chúng ta lại càng tự hào về những người Thầy, những tấm gương sáng đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người bấy nhiêu. Và trong những người thầy ấy, NGƯT.GS.TS Đào Văn Lượng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (STU) là một minh chứng điển hình. Dù cuộc sống còn lắm lúc khó khăn nhưng tâm huyết và tình yêu thương học trò của ông thật sâu sắc. Ông đã tiếp thêm sức mạnh, đã chắp cánh cho biết bao thế hệ học trò để các em bay đến chân trời rộng mở, tích lũy tri thức, tu dưỡng đạo lý làm người… Nhắc đến ông, người ta còn biết đến một nhà thơ tài năng (bút danh Văn Liêm) với nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Và điều đặc biệt ta thấy ở nhà khoa học ấy, đó chính là chữ “Tâm” trong sáng,  bởi ông quan niệm chỉ có lòng nhân ái mới đưa chúng ta đi đến thành công mỹ mãn:

"MỖI CON NGƯỜI CHỈ CÓ MỘT TRÁI TIM
SỐNG NHÂN ÁI SẼ ĐƯỢC NHIỀU HƠN MẤT !"




Ngọn lửa khơi dậy những đam mê

NGƯT.GS.TS. Đào Văn Lượng sinh ngày 05 tháng 06 năm 1945 tại Sài Gòn - vùng đất phồn hoa, nhộn nhịp nhất nhì đất nước đã tạo nên một thiên hướng muốn chinh phục thử thách, theo đuổi đam mê; Quê gốc của ông ở Xã Cổ Am, Huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng - vùng đất có truyền thống văn hóa, cũng là quê hương của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tiên tri huyền thoại của Việt Nam - đã tạo nên một con người có chí hướng và tinh thần cầu tiến cao. Chính vì vậy từ nhỏ, cậu bé Đào Văn Lượng đã không ngừng nỗ lực học hỏi, rèn luyện để đạt được thành tích cao trong học tập. Những minh chứng cho những phấn đấu không mệt mỏi đó là vào tháng 08 năm 1964 ông tốt nghiệp trường phổ thông cấp III Hà Nội A với tấm bằng loại ưu. Quyết định lựa chọn và theo học chuyên ngành Hóa Lý tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1964 và tốt nghiệp năm 1968 cũng với kết quả xuất sắc. Nhớ lại thời điểm ấy, miền Bắc đang vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông phải theo trường đại học đi sơ tán ở vùng núi Thái Nguyên. Điều kiện học tập lúc đó vô cùng khó khăn, nhưng với niềm đam mê, nhiệt huyết đã giúp ông và mạnh mẽ chống chọi, vượt qua những thời điểm gian nan nhất nhưng cũng không kém thi vị: “Phòng thí nghiệm nằm sâu dưới đất/ Nước suối trong chảy mát “sinh hàn”…”

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được phân công về công tác tại trường Đại học Công nghiệp nhẹ. Những năm tháng trên giảng đường, thầy giáo trẻ Đào Văn Lượng đã dùng tất cả nhiệt huyết của mình để truyền đạt lại cho các em sinh viên:

“Nhớ ngày đầu mới bước vào nghề giáo
                                          Cứ bồi hồi khi đứng trước đàn em
                                          Những vui buồn, những trăn trở của con tim
                                          Cũng sâu lắng trong từng lời bài giảng”

Năm 1977, ông được cử sang CHDC Đức làm nghiên cứu sinh và đến năm 1980, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Hóa lỹ Kỹ thuật tại trường Đại học Công nghệ DRESDEN – Đức với đề tài: “Mô hình hóa quá trình khuếch tán bằng xích Markov (bằng Toán xác suất)”. Với thành tích xuất sắc của mình, ông được trường Đại học Công nghệ DRESDEN đề nghị ở lại và nghiên cứu tiếp nhưng ông đã chọn trở về quê hương, bởi ông tâm niệm: “Nước mình còn quá nghèo, tôi muốn được trở về cống hiến cho quê hương góp phần làm bớt đi một chút nghèo, tôi muốn trả ơn những gì tôi có được, và đơn giản bởi tôi thấy rằng, trách nhiệm của một công dân là phải phục vụ đất nước mình, dân tộc mình”. 

Trở về nước, ông tiếp tục trở lại với công việc của một người lái đò, tiếp tục những nhiệm vụ còn dang dở. Trên hành trình ấy, ông không chỉ tỏa sáng trong vai trò của một người thầy mà còn ghi đm dấu ấn trong hình ảnh một nhà khoa học, một nhà quản lý tài năng và tâm huyết. Trong suốt quá trình công tác, với thành tích xuât sắc của mình, ông đã lần lượt được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học; Trưởng phòng QLKH & HTQT; Trưởng ban Đào tạo Sau đại học... Thời điểm từ tháng 05/ 2000 đến tháng 06/ 2006, ông đảm nhận làm Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Thành ủy viên (2000-2005) tại Sở Khoa học - Công nghệ & Môi trường TP.HCM. Từ tháng 07 năm 2006 đến tháng 10 năm 2015, ông được mời làm Hiệu trưởng, đồng thời là phó bí thư Đảng ủy trường tại Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn.

Chuyện kể “người lái đò không ngừng nghỉ”

Trải qua quá trình công tác lâu dài, là giảng viên rồi đến nghiên cứu, sau là quản lý, NGƯT. GS.TS. Đào Văn Lượng luôn tạo nên những thành tích và đóng góp thiết thực nhất cho công việc mà bản thân đảm nhận. Với vai trò của một người lái đò, tạo nguồn cảm hứng cho học trò là điều ông hướng đến, trong học tập không chỉ có sách vở mà còn là sự sáng tạo và kinh nghiệm sống. Ông tâm sự: “Dạy tốt không chỉ đơn thuần là sự chuẩn bị chu đáo, sự nhiệt tình trong từng tiết dạy để truyền đạt kiến thức của người thầy mà còn phải kich hoạt được sự đam mê của người học. Do đó, dạy tốt – học tốt  là sự kết hợp hài hòa, tác động bổ sung qua lại giữ hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của học trò. Hai hoạt động này diễn ra song song, hài hòa, trong đó người thầy đóng vai trò một nhạc trưởng. Trước khi truyền tải kiến thức mới, phải tìm hiểu để nhận biết đối tượng người học, từ đó chuẩn bị nội dung, phương pháp phù hợp. Không chỉ phải tìm hiểu kiến thức mà còn phải tìm hiểu về những đặc điểm tâm lý của sinh viên để tạo ra sự giao lưu thân thiện. Sự giao lưu đồng cảm sẽ là cầu nối tốt đẹp trong việc truyền tải kiến thức. Lúc đó, sự giảng dạy của thầy sẽ thuận lợi hơn, đồng thời trò cũng mạnh dạn hơn, sáng tạo hơn trong cách tiếp thu kiến thức”:

      “Dạy dỗ các em là hạnh phúc của cuộc đời
Bên tuổi trẻ, ta thấy lòng trong sáng,
Những ham muốn thấp hèn và ty tiện
       Sẽ tan nhanh như những áng mây mù”…

Là một người có trình độ chuyên môn cao, NGƯT.GS.TS. Đào Văn Lượng chủ yếu tham gia nghiên cứu lĩnh vực Hóa học với chuyên ngành Công nghệ hóa học, Công nghệ Hóa Lý, trong đó ông tập trung chuyên sâu về nhiệt động Hóa học, Hấp thụ Hóa học. Những công trình nghiên cứu ông thực hiện không chỉ là để thỏa mãn niềm đam mê của bản thân và còn giúp phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, nghiên cứu. Một số đề tài lớn mà ông tham gia và chủ trì có lẽ phải kể đến các đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu tách Parafin từ phân đoạn dầu mỏ Việt Nam (1991); Nghiên cứu sản xuất silicagel dạng viên cầu (1994); Nghiên cứu hoàn chỉnh công nghệ sản xuất parafin rắn từ phân loại dầu mỏ Việt Nam (1992); Nghiên cứu chế tạo và khảo sát chất hấp phụ, chất mang xúc tác trên oxyt-silic và hỗn hợp…(1995); Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng lão hóa polymer bằng kết hợp thí nghiệm và Computer (1996)…

Ngoài ra, từ kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học, GS. Đào Văn Lượng đã viết hơn 40 bài báo, báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong và ngoài nước, trong các hội nghị quốc tế và trong nước, tiêu biểu như: Nghiên cứu phục hồi bình chứa Axetylen, Nộisan KHKT ĐHBK Tp. HCM  4,12 (1985); Ảnh hưởng của pH đến hiệu suất, chất lượng Citral tách từ tinh dâu màng tang, Công nghiệp Hóa chất, 5+6, 10-12 (1987); Điều chế tổ hợp chất thơm mùi chanh từ Citral, Công nghiệp Hóa chất, 4,12 (1988); Ảnh hưởng của kiềm và sự tạo thành sản phẩm phụ trong phản ứng tổng hợp Pseudoionon, Công nghiệp Hóa chất, 5,12 (1988); Citral - nguồn nguyên liệu thiên nhiên giầu có của nước ta, Khoa học và Phát triền,  32,17(1988); Matematische Beschreibung von Diffusionsprozessen. Konferenz Junger Chemiker 30-1-79, DDR; Fehlerbetrachtungen der Beschreibung von Diffusionsprozessen als  Markow-Ketten. Wissenschafl. Zeitschrift der TU Dresden, 29(1980) Heft.1; Molecular modelling in interpretration of thermal stability beha-vour of polymers. Inter. Conferences on Polymer Characterization;… GS. Đào Văn Lượng đã vinh dự 2 lần nhận giải thưởng Báo cáo KH xuất sắc tại Hội nghị các nhà Hóa học trẻ Đại học Đức và Quốc tế (1979) và giải NCKH xuất sắc với đề tài: Nghiên cứu công nghệ chế tạo Silicagel dạng viên cầu (1995).




Bên cạnh đó, ông còn biên soạn các giáo trình phục vụ việc giảng dạy cho sinh viên đại học và cao học như: Sổ tay Hóa Lý (Nxb trường đại học Bách Khoa, 1983); Giáo trình Hóa Lý (Nxb trường đại học Bách Khoa, 1985); Giáo trình Hóa Lý (nhiệt động) – (Nxb trường đại học Bách Khoa, 1987); Thí nghiệm Hóa Lý (Nxb trường đại học Bách Khoa, 1986); Nhiệt động Hóa học (tái bản 6 lần) – (Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 2000 – 2003 – 2005 – 2007 – 2008 – 2012). Say mê nghiên cứu khoa học nhưng bản thân ông vẫn không quên nhiệm vụ chính, không quên công việc gắn bó với ông gần nửa đời người. Tính đến nay, ông đã hướng dẫn cho rất nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ.

Dấu ấn của người quản lý Đào Văn Lượng

Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, ông luôn đặt cái Tâm lên trên hết, ông coi đó như kim chỉ nam của cuộc đời mình. Khi đương nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ & Môi trường TP.HCM, ông đã đưa lực lượng khoa học công nghệ tham gia vào Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập”. Là Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin Thành phố, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển công nghệ thông tin và xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung. Đặc biệt, ông còn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường “Phải làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành Tâm Đạo của nhân loại; Tâm đạo là Đạo từ Trái tim, Đạo trung tâm. Càng ngày, vai trò của môi trường càng trở nên quan trọng đối với cuộc sống của nhân loại. Tất cả mọi người phải tôn thờ và “tu theo Tâm Đạo” để bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và cho các thế hệ mai sau. Làm cho môi trường sống ngày càng tươi đẹp hơn – điều đó phải trở thành tâm nguyện chi phối mọi hoạt động của mỗi con người ở mọi nơi, mọi lúc”. Trên cương vị là người thuyền trưởng chèo lái con thuyền Đại học Công nghệ Sài Gòn vượt qua biết bao gian khó, thử thách và vững bước trên con đường phát triển. Với đội ngũ giảng viên có trình độ, giàu kinh nghiệm, tận tụy trong giảng dạy, trường Đại học Công nghệ Sài Gòn đang từng bước phấn đấu trở thành một Trung tâm đào tạo và nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến trên thế giới qua các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Với tư duy đột phá, ông đã khởi xướng cuộc vận động xây dựng “Văn hóa STU” mang tư tưởng chủ đạo: “Hãy trả lại thiên đường đại học cho chủ nhân thực sự của nó”. Ông cho rằng sinh viên mới thực sự là chủ nhân của trường đại học, họ cần có quyền lực và tiếng nói trong mọi hoạt động của nhà trường. Đó cũng là sự khẳng định rằng, nhà trường phải là nơi tự do nhất cho các ý tưởng sáng tạo và mọi ý tưởng sáng tạo phải được tạo đầy đủ mọi điều kiện để thực hiện. Khẩu hiệu của trường do GS. Đào Văn Lượng nêu ra: “STU – Sức trẻ, Trí tuệ, Ước vọng” được Thầy và trò xem là một Slogan truyền thống của STU. Bằng chính uy tín của mình, ông đã đưa trường Đại học Công nghệ Sài Gòn lên một vị thế mới trong các trường ngoài công lập hiện nay. 




Nhà khoa học với tâm hồn đượm chất thơ

GS.TS Đào Văn Lượng là Hội viên Hội Nhà Văn TP.HCM mang bút danh Văn Liêm. Ở ông có sự hài hòa “3 trong 1”: nhà khoa học, nhà giáo và một nhà thơ đậm chất nhân văn. Ông không chỉ thành công trong lĩnh vực khoa học mà cả ở trong lĩnh vực văn hóa, văn chương – một khu vườn tưởng như hoàn toàn khác biệt so với khu vườn khoa học công nghệ”. Không chỉ làm thơ, mà ông đã thể hiện là một nhà thơ có tầm. Ông yêu cái đẹp, trân trọng cái thiện, dễ rung động với những sắc màu đa dạng của cuộc sống. Vì thế mà ông đến với thơ và làm thơ, tự nhiên và hào hứng, sâu lắng và thiết tha. Ông là tác giả của ba tập thơ “Nỗi nhớ mênh mang”, “Bờ bến bình yên” và “Nghề của tôi”, ngoài ra ông còn sáng tác rất nhiều bài thơ đã được đăng trên các báo, cũng như trong các tập thơ chung của Hội Nhà văn. Đặc biệt, ông còn được Đài truyền hình HTV – TP. Hồ Chí Minh giới thiệu trong chương trình Thơ Văn Liêm “Tri thức tạo nên giọng thơ hiện đại”.

Ông tự nhận: “Trong tôi chỉ có 10% kiến thức công nghệ, 10% kiến thức quản lý và còn lại 80% là kiến thức nhân văn”. Trước con người và cảnh vật quê hương, với cảm xúc dâng trào ông cầm bút viết; trước hết là viết cho mình và sau là cho những người tri ân tri kỷ... Thơ với ông là cuốn nhật ký tâm hồn luôn được nâng niu, đôi lúc ông đã mượn thơ để trải lòng mình với người đời… “Ta muốn đốt tim ta thành ngọn nến / Cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh!”  

Ông tâm sự với người bạn đời:

Anh mải lo công việc chung bề bộn,
Còn em – em chỉ biết lo cho anh.
Khi có niềm vui,
Anh chia với bè bạn xung quanh,
Còn nỗi buồn, trút cho em tất cả.
Cuộc sống còn quá nhiều vất vả,
Đồng đội có lúc hiểu lầm,
bè bạn có thể hại nhau,
Bàn tay em xoa dịu bớt nỗi đau
Sưởi ấm lòng anh tê tái…
Về bên em, tâm hồn anh dịu lại,
Em là bờ bến bình yên!

Đó là sự đa tài, là một trí tuệ mẫn tiệp, là con người của sự sáng tạo. Những bài thơ của ông đúng là sự chắt lọc trong diễn đạt tình cảm và suy nghĩ của mình, nhưng lại bằng những con chữ bình dị, mộc mạc và trong sáng. Ông làm thơ cho mình nhưng cũng là cho đời.

Trong bộn bề một ý thơ chợt đến
Làm dịu đi những trăn trở đời thường
Một nhành non cho trời thêm xanh biếc
Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn!” 

Ở cái tuổi “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (74 tuổi), ông vẫn như con tằm cần mẫn nhả tơ cho đời, vẫn lao động đầy hứng thú, say mê và sáng tạo. Với con người “3 trong 1” Đào Văn Lượng thì bài viết ngắn này vẫn chưa hẳn là đủ. Nhưng mục đích chính ở bài viết ngắn này không gì khác hơn là thể hiện sự trân trọng, quý mến, ngưỡng mộ… đối với ông – một con người hòa quyện cả Khoa học và Thơ.

                                                                   BTV. Minh Tú – UNESCO Việt Nam



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét